Theo Marcus Young, phó giáo sư khoa học vật liệu và kỹ thuật tại đại học Bắc Texas, Mỹ, hiện tượng rỗ và đổi màu của trang sức do một tế bào mạ điện gây ra các phản ứng oxy hóa-khử tự phát. Những phản ứng này hình thành trên bề mặt, khiến kim loại không đẹp, sáng bóng nữa.
Các sản phẩm làm từ đồng dễ xảy ra phản ứng này nhất, sau đó đến bạc. Bảo quản bạc cùng các kim loại khác có thể khiến bạc bị oxy hóa nhanh hơn.
Tốc độ oxy hóa của một trang sức phụ thuộc vào tỷ lệ phần trăm hợp kim hoặc lượng từng kim loại tạo nên sản phẩm cuối cùng. Judith Anderson, một nhà thẩm định đồ trang sức chuyên nghiệp cho rằng bạch kim sẽ không bị xỉn màu vì nó không có kim loại thường bên trong, nhưng các loại vàng khác nhau có các lớp trang trí bằng chất liệu khác nhau.
"Trong vàng 14K, lượng vàng nguyên chất chỉ 58,5%. Các phần còn lại thường là sự kết hợp của bạc và đồng, theo tỷ lệ khác nhau, tùy thuộc màu sắc. Trong vàng trắng có thể có niken, giống hợp kim hoặc iridi, thuộc nhóm bạch kim", Anderson nói.
Các biến thể vàng khác như vàng hồng, thường không bao gồm niken, nhưng có nhiều đồng hơn bạc, trong khi vàng xanh có lượng bạc cao hơn đồng. Tuy nhiên, ngành công nghiệp trang sức không sử dụng một tỷ lệ tiêu chuẩn để tạo ra vàng. Người thợ thủ công khác nhau có công thức riêng của họ khi tạo ra sản phẩm.
"Các công ty lớn bán vàng có công thức cụ thể để sản xuất. Màu sắc là kết quả của việc thay đổi tỷ lệ hàm lượng đồng và bạc", Anderson nói.
Quảng cáo
Độ cứng khác nhau giữa các kim loại có thể gây ra xước. Ví dụ, bạch kim không bị oxy hóa, nhưng có thể bị trầy xước vì mềm hơn vàng. Vì vậy, Anderson khuyên khi cất giữ đồ trang sức bằng bạch kim và vàng cùng nhau, vàng có thể làm xước bạch kim, khiến trang sức xỉn màu.
Cần cất giữ trang sức trong môi trường khô ráo, sạch sẽ để không bị trầy xước, xỉn màu. "Đó là mẹo số một, dù đó là trang sức bằng bạc, vàng hay bạch kim. Ngoài ra, để trang sức riêng biệt sẽ đẹp nhất", Amanda Gizzi, thuộc doanh nghiệp trang sức ở Mỹ, nói.
Đối với bạc, Gizzi khuyên nên sử dụng các hộp bảo quản không bị xỉn màu được thiết kế dành riêng cho kim loại. Không nên chất đống các món đồ vào cùng một hộp trang sức, khiến chúng bị rối. Bạn có thể lắp ngăn trong hộp trang sức lớn hoặc cất các món đồ vào túi nhựa riêng.
"Đó là cách hầu hết các thợ kim hoàn lưu trữ mọi thứ. Với dây chuyền, nên treo vào móc cài để không bị rối", Gizzi cho biết.
Anderson khuyên nên cất từng chiếc khuyên tai ở túi riêng, sau đó cho hai chiếc của một đôi vào túi lớn hơn. "Nếu bảo quản tốt, bạn không cần phải sửa hay đánh bóng thường xuyên", cô nói.
Young lưu ý, hộp trang sức có lót vải sẽ giúp hút ẩm và không làm hỏng đồ. Ông lưu ý, độ ẩm trong không khí càng lớn càng thúc đẩy hình thành oxit hydroxit dẫn đến xỉn màu.
Nếu trang sức bằng bạc xỉn màu, Anderson cho hay có thể dùng chất tẩy bạc, nhưng với vàng thì phải đến tiệm kim hoàn để đánh bóng. "Cách tốt nhất vẫn là mang chúng đến tiệm kim hoàn đánh bóng. Mỗi năm nên vệ sinh, đánh bóng một lần", cô nói.
Lớp gỉ, đội sáng bóng trên bề mặt trang sức do tuổi thọ, quá trình đánh bóng.
Nhật Minh (Theo Huffpost)