Chiếc trâm thời vua Càn Long, dài 25 cm. Phần thân làm bằng đồng mạ vàng, phần đầu từ đá cầu vồng, ngọc trai, phỉ thúy (ngọc cẩm thạch). Phần tinh xảo nhất là đóa hoa phù dung bằng đá cầu vồng, nhụy hoa được đính các hạt ngọc trai nhỏ. Lá hoa được tán mỏng từ phỉ thúy. Một hình con bướm đậu trên hoa phù dung, đôi cánh của nó cũng làm từ phỉ thúy. Nghệ nhân áp dụng các phương pháp thủ công như trạm trổ, khảm trai, điểm thúy, thể hiện sự tôn quý của hoàng gia.
Chiếc hoa cài đầu từng được sử dụng trong cung đình nhà Thanh, phần hoa dài 20 cm. Các bông hoa hải đường trắng làm từ ngọc thạch, các phần trang trí màu xanh làm bằng phương pháp điểm thúy - loại hình thủ công kết hợp giữa đính kết lông vũ và kỹ thuật kim khí. Nghệ nhân dùng lông chim bói cá đính lên vật bằng vàng hoặc bạc. Lông chim mảnh và nhỏ, khó phai, bền màu qua hàng trăm năm.
Bộ cài đầu làm từ bạc mạ vàng. Hình hoa cúc áp dụng phương pháp điểm thúy. Hoa cúc tượng trưng cho trường thọ, loại nữ trang này cũng thường được dùng ở hậu cung.
Hoa tai gắn ba viên ngọc trai bóng, mịn, dành cho hoàng hậu thời Thanh. Loại ngọc trai này nguồn gốc lưu vực sông Tùng Hoa ở Đông Bắc Trung Quốc, được triều đình coi là loại cao cấp nhất. Địa vị của phụ nữ ở hậu cung Thanh được thể hiện qua trang phục, trang sức. Khi mặc đồ triều đình, hoàng hậu đeo hoa tai gắn ba viên ngọc trai Đông Bắc, các phi tần đeo hoa tai đính hai viên ngọc trai. Còn khi mặc trang phục bình thường, họ được đeo hoa tai tùy thích.